Tư vấn dịch vụ
& vật phẩm

1900.2292
Trang chủ / Phong Tục Việt / Ý Nghĩa Của Những Biểu Tượng Trong Lễ Cưới

Ý Nghĩa Của Những Biểu Tượng Trong Lễ Cưới

(0)
Lễ cưới là sự công bố trước dư luận xã hội sau quá trình hai gia đình gặp gỡ, tìm hiểu và đi tới thống nhất kết thành thông gia. Một gia đình mới ra đời có ý nghĩa rất quan trọng đối với xã hội. Đến với đám cưới là đến với một sinh hoạt văn hóa lành mạnh không thể thiếu trong cuộc sống mỗi con người và cả cộng đồng. Một số nghi lễ trong đám cưới, xét ở một khía cạnh nào đó, cũng là một nét đẹp truyền thống trong văn hóa của người Việt ta.
Cẩm nang kiến thức phong thủy trực tuyến

Có thể khẳng định rằng, từ lâu, việc tổ chức lễ cưới đã là một phong tục không thể thiếu trong cuộc sống cộng đồng, thể hiện nhiều ý nghĩa về khía cạnh xã hội, đạo đức, văn hóa và kinh tế. Lễ cưới thường là sự ghi nhận quá trình trưởng thành của đôi thanh niên nam nữ sau quá trình tìm hiểu. Nó khẳng định việc xã hội đã thừa nhận một tình yêu, một gia đình mới được hình thành, là biểu hiện của sự thống nhất giữa tình yêu và trách nhiệm giữa hai người. Nếu hôn nhân không được xây dựng trên cơ sở tình yêu thì là một hôn nhân không có đạo đức.

Trong quá trình tổ chức lễ ăn hỏi và lễ cưới, có rất nhiều những hình ảnh, biểu tượng mà không phải cô dâu, chú rể nào cũng hiểu được trọn vẹn ý nghĩa và nguyên nhân vì sao nó xuất hiện trong đám cưới/đám hỏi của mình. Vậy nên hôm nay, Phong thủy Tam Nguyên sẽ cùng các bạn tìm hiểu qua một số điều không thể thiếu trong ngày trọng đại của cuộc đời này nhé! 

1. Chọn ngày tốt để tổ chức lễ cưới

Ngày tổ chức lễ ăn hỏi, lễ cưới luôn là băn khoản của cô dâu, chú rể và hai bên gia đình mỗi khi chuẩn bị tổ chức ngày trọng đại (Ảnh minh họa)

Phong tục cưới chọn ngày tốt của người Việt Nam xuất phát từ quan niệm tìm lành tránh dữ. Dân gian cho rằng nếu chọn được ngày giờ tốt để làm đám cưới thì cô dâu và chú rể sẽ luôn gặp may mắn, sống hòa hợp với nhau đến trọn đời. Từ xa xưa, ông bà ta đã tin rằng vận mệnh tử vi hay phong thủy ngũ hành sẽ tác động lẫn nhau tới mỗi con người và mỗi mối quan hệ. Nếu xem tuổi vợ chồng hợp nhau thì hôn nhân trọn vẹn, đầm ấm, ngược lại nếu tuổi xung khắc dễ dẫn tới chia ly. Chính vì thế, một khi có kế hoạch chuẩn bị cho đám cưới, việc đầu tiên mà gia đình hai bên của cô dâu và chú rể sẽ làm đó là chọn một ngày, giờ đẹp để tiến hành hôn lễ.

Việc xem ngày tốt để làm đám cưới chỉ là một cách để con người thể hiện thái độ nghiêm túc, thận trọng trước việc trọng đại của đời người là kết hôn. Việc này cũng giúp mang lại ý nghĩa lớn hơn cho các cặp vợ chồng, giúp họ hiểu được những giá trị thiêng liêng của việc kết hôn, biết trân quý để có ý thức trách nhiệm đối với vợ/chồng.

Chọn ngày lành tháng tốt cũng đồng nghĩa với những quan điểm cấm kỵ, kiêng cữ, những điều nên làm và không nên làm trong ngày cưới. Những điều cấm kỵ đó có tác dụng điều tiết và kiểm soát nhất định với hành vi con người, giúp đám cưới trở thành một hình ảnh vô cùng ý nghĩa trong đời sống tinh thần của người Việt.

Với phong thủy chính tông, chọn ngày cưới nhất định cần căn cứ vào ngũ hành của Niên - Nguyệt - Nhật - Thời (Năm, tháng, ngày, giờ), kết hợp với năm sinh hoặc Bát tự sinh thần của cô dâu chú rể để chọn thời điểm cát lành của đất trời giao hòa cho Thiên Địa Nhân hợp nhất, giúp cuộc sống hôn nhân sau này sẽ phú quý giàu sang, thọ khang ninh phúc, con cháu đầy đàn, vợ chồng viên mãn.

>>> Tìm hiểu thêm: Ý Nghĩa Của Những Biểu Tượng Trong Lễ Cưới

2. Trầu cau trong ngày dạm ngõ

"Miếng trầu là đầu câu chuyện" (Ảnh minh họa)

Dân gian ta vẫn có câu: “Miếng trầu là đầu câu chuyện” để muốn nói lên tầm quan trọng, không thể thiếu được khay trầu trong việc bắt đầu câu chuyện của cả đời con người.

Người xưa cho rằng, cây cau có thân tròn, chắc, thẳng đứng là biểu tượng cho người con trai, còn lá trầu hình tam giác bầu bĩnh xòe ngang trên mặt đất như biểu tượng của người con gái. Dây trầu leo quấn quít quanh thân cau như là biểu tượng cho một tình yêu bền chặt. Trầu cau ăn với một chút vôi thì tạo nên một màu đỏ hồng như màu son, biểu tượng cho sự thủy chung son sắt.

“Miếng trầu ăn kết làm đôi

Lá trầu là vợ, cau tươi là chồng

Trầu xanh, cau trắng, chay hồng

Vôi pha với nghĩa, thuốc nồng với duyên”

Trước kia, sau lễ ăn hỏi, nhà gái thường dùng cau trầu, trà bánh mà nhà trai đã mang sang chia ra từng gói nhỏ để làm quà biếu cho họ hàng, bè bạn, xóm giềng,...như một lời thông báo: con gái trong nhà đã có nơi có chốn. Còn ngày nay, hầu như trong khay cau trầu chỉ cần 6 miếng trầu têm và quả cau bổ làm 6, têm cánh phượng, mang qua nhà gái theo hình thức ước lệ là chủ yếu vì hầu như không còn mấy ai ăn trầu nữa. 

Tuy nhiên, trầu cau vẫn không thể thiếu trên mâm cưới hỏi, bởi nó là một nét đẹp văn hóa, có lễ, có nghĩa, là lời mở đầu câu truyện xin thưa của người Việt. Dù trải qua bao nhiêu thăng trầm của thời gian, nét đẹp văn hóa này vẫn giữa nguyên trong nghi thức cưới hỏi, như một lời chúc phúc cho tình cảm của đôi uyên ương, một lời chúc keo sơn gắn bó, hòa hợp lâu dài.

3. Tiền nạp (tiền “cheo”)

Nuôi lợn thì phải vớt bèo

Lấy vợ thì phải nộp cheo cho làng

Trong nghi lễ đám cưới truyền thống của người Việt, lễ nạp tài thuộc khuôn khổ lễ ăn hỏi. Đây là phong tục thay cho lễ nạp tệ (nạp trưng), tức là lễ nạp đồ sính lễ cho nhà gái, minh chứng cho sự hứa hôn chắc chắn theo 6 lễ của đám cưới truyền thống xưa. Ý nghĩa của tục lệ này là nhà trai góp phần với nhà gái chi phí cỗ bàn, để nhà gái và cô dâu biết rằng mọi thứ đã sẵn sàng cho đám cưới. Đây cũng thể hiện sự tôn trọng của gia đình nhà trai đối với nhà gái và cô dâu. Thông thường, tiền cheo sẽ được cha mẹ cô dâu trao lại cho đôi trẻ để lo mua sắm quần áo, trang sức, sính lễ đám hỏi trước khi về nhà chồng.

4. Bánh su sê (bánh phu thê)

Bánh su sê hay còn gọi là bánh phu thê là một trong những biểu tượng đặc trưng của đám cưới (Ảnh minh họa)

Trong lễ cưới có nhiều lễ vật, nhưng không thể thiếu bánh “Su sê” hay còn gọi là bánh “Phu thê”. Bánh được làm bằng bột đường trắng, dừa, đậu xanh và các thứ hương ngũ vị, nặn hình tròn, bọc bằng hai khuôn hình vuông úp lại với nhau vừa khít. Khuôn thường được làm bằng lá dừa, lá cau hoặc lá dứa, vỏ để nguyên không luộc để giữ màu xanh thẫm.

Nguồn gốc tên bánh đến từ mong muốn rằng chiếc bánh sẽ là biểu tượng cho đôi vợ chồng: vuông tròn, trong trắng, ngọt ngào, thơm tho, xanh thẳm, là biểu tượng của trời đất có âm dương ngũ hành, ruột trắng nhân vàng, hai vỏ xanh úp lại buộc bằng sợi dây hồng biểu trưng cho phận đẹp duyên lành của lứa đôi.

 >>> Xem thêm: Các thủ tục trong phong tục cưới hỏi truyền thống của người Việt Nam

Từ xa xưa, người Việt vốn đã coi trọng lễ cưới, xem đó là việc hệ trọng nhất của cuộc đời một người. Đám cưới của người Việt Nam mang đậm bản sắc văn hóa của phương Đông. Trong xẫ hội ngày nay, mặc dù có nhiều sự đổi mới, đặc biệt là sự du nhập của văn hóa phương Tây khiến các bạn trẻ chọn tổ chức lễ cưới của mình theo phong cách hiện đại hơn, tiện nghi hơn nhưng những nghi thức quan trọng nhất của một lễ cưới thì không hề thay đổi. Bởi nó là nét văn hóa riêng, đặc biệt của người Việt từ ngàn đời nay, là mốc son thể hiện đôi trai gái yêu nhau đã chính thức trở thành vợ chồng, cùng nhau vun đắp xây dựng cuộc sống, cùng có ý thức thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm đối với xã hội.

Nghi lễ trong đám cưới không chỉ thể hiện nét dân sinh, mà còn thể hiện đậm chất văn hóa mà không phải quốc gia nào cũng có được. Những giá trị văn hóa ấy cần được bảo tồn và tiếp nối mãi đến muôn đời sau. Lễ cưới là việc trọng đại trong cuộc đời mỗi người, nhưng tùy theo từng hoàn cảnh khác nhau mà đám cưới có thể được tổ chức theo những cách khác nhau, với quy mô khác nhau. Nhưng tựu chung lại, tất cả đều thể hiện thành quả của tình yêu chín muồi và trọn vẹn.

 

  • Tổng thư ký Hiệp hội dịch học Thế giới phân hội Việt Nam

  • Viện phó thường trực Viện nghiên cứu & Phát triển Văn hóa Phương Đông

  • Giám đốc Công ty TNHH Kiến trúc Phong thủy Tam Nguyên.

Đặt Lịch Tư Vấn

Quý khách để lại thông tin, chúng tôi sẽ liên hệ sớm nhất trong vòng 24h
1900.2292 Facebook Page Facebook Messenger Zalo Chat Chat trực tiếp

Hỗ trợ