Tư vấn dịch vụ
& vật phẩm

1900.2292
Trang chủ / Đạo Mẫu Việt / Tả Ao Và Những Truyền Thuyết Dân Gian

Tả Ao Và Những Truyền Thuyết Dân Gian

(0)
Tả Ao sinh ra trong gia đình nghèo, hoàn cảnh đặc biệt, sớm mồ côi cha, mẹ mắc bệnh lòa. Trong quá trình đi học cách chữa mắt cho mẹ, Tả Ao đã học được nhiều y thuật và có cơ duyên được thầy Địa lý truyền nghề.
Cẩm nang kiến thức phong thủy trực tuyến

Mời Quý độc giả cùng Phong Thủy Tam Nguyên tìm hiểu về Tả Ao và nghề Địa lý phong thủy qua truyền thuyết dân gian được ghi chép như sau:

Vì thương mẹ mắt bị lòa, nghe tin có thầy thuốc người Tàu giỏi chữa mắt đang ở đất Nam, ông đã lặn lội đến xin hầu hạ với mong ước được thầy chữa bệnh cho mẹ. Thấy chàng trai hiếu thảo với mẹ, lại thông minh, chăm chỉ nên ông thầy đã đồng ý chữa và truyền một số y thuật chữa mắt cho Tả Ao. Chữa được mắt cho mẹ, ông vui mừng khôn xiết. Đúng lúc đó ông thầy về nước. Biết ơn thầy, Tả Ao xin được theo thầy hầu hạ, học y thuật chữa mắt. Được thầy đồng ý, ông xin phép mẹ sang Trung Hoa học thêm nghề thuốc để về chữa bệnh cứu giúp mọi người. Ở một tài liệu khác, Tả Ao theo một khách buôn ở trấn Nghệ An sang Tàu tìm thuốc chữa bệnh cho mẹ. Thấy Tả Ao có tấm lòng hiếu lễ, nên thầy thuốc hết lòng dạy dỗ, truyền nghề cho trò. Tả Ao chăm chuyên học hành với mục đích trước là cứu mẹ khỏi bệnh lòa, sau là chữa bệnh cứu người. Ông học nghề đã đạt thành và hoan hỉ sắp được về với mẹ thì một hôm thầy dạy của Tả Ao nói: "Có thầy Địa lý chính tông đau mắt đã lâu không khỏi, mời ta đến chữa, nhưng ta đã già yếu lắm rồi. Con thông minh, chăm chỉ học ta đã thành nghề. Ta tin tay nghề và tâm đức của con. Con thay ta đi chữa cho ông ấy". Tả Ao vâng lời thầy đã chữa khỏi bệnh mù lòa cho thầy Địa lý. Nhìn thấy tư chất Tả Ao, thầy Địa lý nghĩ bụng: “Người này có thể truyền nghề cho được đây". Tả Ao cũng có ý muốn học.

Thấy Tả Ao thông minh, hiếu học, nhân đức, nên để trả ơn chữa bệnh, thầy Địa lý đã truyền hết nghề cho ông. Chỉ hơn một năm, Tả Ao đã giỏi, thông tỏ Địa lý. Song thầy Địa lý vẫn muốn thử tay nghề cậu học trò nước Việt mà mình yêu quý. Thầy đổ cát thành hình núi sông và vùi một trăm đồng tiền ở các huyệt đạo. Thầy bảo Tả Ao "Con tìm huyệt đạo cho ta. Hễ thấy huyệt thì xuyên kim xuống". Nghe lời thầy, Tả Ao dò tìm cắm được 99 kim đúng lỗ đồng tiền (chính huyệt) và chỉ còn một huyệt tìm không ra. Thầy Địa lý thán phục và nói: “Nghề của ta đã sang nước Nam mất rồi". Rồi thầy cho Tả Ao cái tróc long và câu thần chú và dặn khi về Nam nếu đi qua núi Hồng Lĩnh thì đừng lên. Tả Ao hoan hỉ về nước và không còn niềm vui nào lớn hơn khi chữa khỏi bệnh cho mẹ. Nhưng có một lần đi qua Hồng Lĩnh, không hiểu sao Tả Ao vẫn lên núi, dù không quên lời dặn của thầy Địa lý. Thấy kiểu đất "Cửu long tranh châu" (Chín rồng tranh ngọc), ông mừng quá thốt lên vui sướng: "Huyệt đế vương đây rồi! Thầy dặn không lên núi là vì thế". Tả Ao liền đưa mộ cha về táng ở chỗ đất đó. Ít lâu sau, vợ Tả Ao sinh được con trai. 

Cũng thời điểm đó, các thầy Thiên văn Trung Quốc phát hiện các vì tinh tú đều chầu về nước Nam. Các thầy Thiên văn tâu Vua với ý rằng nước Nam được đất sẽ sinh ra người tài, sẽ hại nhà Minh. Nghe thế, Vua truyền cho các thầy Địa lý “Nếu ai đặt đất, hoặc dạy cho người Nam biết huyệt đó thì phải sang tìm mà phá đi. Nếu không sẽ bị tru di tam tộc.” Nghe tin Vua truyền, thầy dạy Địa lý của Tả Ao biết chỉ có trò của mình mới làm được việc này. Thầy Địa lý lặng lẽ sai con trai tìm sang nước Nam. Gặp Tả Ao, con trai thầy Địa lý hỏi: "Từ khi về Nam, đại huynh đã cất được mộ phần nào của gia tiên chưa?" Tả Ao thực tâm kể lại việc đặt mộ cha mình. Con thầy Địa lý Tàu dùng mẹo yểm phá huyệt đạo, bắt con trai của Tả Ao đem về Tàu. Thân mẫu Tả Ao từ đó buồn sinh bệnh mà chết. Thương mẹ, Tả Ao tìm được đất Hàm Rồng ở ngoài đảo định táng mẹ ở đó. Đúng ngày giờ táng thì trời bỗng nổi giông gió, sóng lớn có thể hất văng, nhấn chìm tất cả thuyền bè. Ông không thể mang hài cốt mẹ ra đảo như dự định. Sau khi trời yên, biển lặng, thấy ở đó nổi lên một bãi bồi, Tả Ao than rằng: "Đất Hàm Rồng phải năm trăm năm rồng mới há miệng một lần trong một khắc. Trời đã không cho thì đúng là số rồi”. Tả Ao đành táng mẹ ở chỗ bãi bồi đó. Nhưng huynh trưởng sợ sóng to, gió lớn cuốn mộ thân mẫu đi, nên không đồng ý cho táng ở đó. Từ đó, Tả Ao mang nỗi buồn chán, rời quê hương đi chu du bốn phương vừa chữa bệnh, vừa tìm đất giúp người…

Phong thuỷ chỉ dưỡng người tích thiện, thầy Địa lý dẫu cao tay đến đâu cũng không thể dựa vào Phong thuỷ để thay đổi mệnh Trời. Làm phúc cứu người, nhưng chính ông cũng không thể thay đổi được số mệnh. Khi già yếu, Tả Ao đã tính chọn cho mình chỗ an táng kiểu đất “Nhất khuyển trục quần dương" (Chó đuổi đàn dê) ở xứ Đồng Khoai. Nếu táng được ở đây thì chỉ ba ngày sau là thành Địa Tiên. Khi 65 tuổi, biết mình sắp về chầu tiên tổ, Tả Ao sai đệ tử trung thành là Cú Đẹn khiêng mình đến chỗ đó, để nằm dưới mộ và tự phân kim (chôn lúc chưa chết hẳn). Nhưng đi mới được nửa đường, thì Tả Ao đã ngưng thở. Trước đó, biết số phận không cho ở ngôi đất tốt, ông chỉ đại vào một cái gò bên đường "Chỗ kia là ngôi Huyết thực, bất đắc dĩ thì cứ táng ở đó, sẽ được người ta cúng tế". Vâng lời thầy, ông Cú Đẹn táng Tả Ao ở ngôi “Huyết thực” này để sau này được nhiều người cúng tế. Quả nhiên Tả Ao trở thành vị Phúc thần...

Ngoài ra còn rất nhiều truyền thuyết dân gian về Tả Ao như các truyền thuyết liên quan đến việc Thánh sư Địa lý Tả Ao là người tâm đức, luôn giúp dân nghèo và trừng trị kẻ ác; Tả Ao tìm đất tốt đặt đình chùa, đền miếu, mồ mả, nhà cửa…; Tả Ao cứu vua nhờ mộ kết; Huyền thoại Giếng mắt cá ở làng Hành Thiện… 

                                                                                                                                                                                                                                                                                                             - Lê Thị Bích Hồng -

                                                                                                                                                                                                                                                                                                              (PGS, TS. Nguyên Phó Vụ trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương)

  • Tổng thư ký Hiệp hội dịch học Thế giới phân hội Việt Nam

  • Viện phó thường trực Viện nghiên cứu & Phát triển Văn hóa Phương Đông

  • Giám đốc Công ty TNHH Kiến trúc Phong thủy Tam Nguyên.

Đặt Lịch Tư Vấn

Quý khách để lại thông tin, chúng tôi sẽ liên hệ sớm nhất trong vòng 24h
1900.2292 Facebook Page Facebook Messenger Zalo Chat Chat trực tiếp

Hỗ trợ