Tư vấn dịch vụ
& vật phẩm

1900.2292
Trang chủ / Phong Tục Việt / Phong tục tang ma trong văn hóa tâm linh của người Việt

Phong tục tang ma trong văn hóa tâm linh của người Việt

(0)
Trên đất nước Việt Nam, phong tục tang ma được tổ chức khác nhau tùy vào từng địa phương, vùng miền. Tuy nhiên, tóm gọn lại cũng có những bước chung, tương đồng ở người Kinh cũng như những dân tộc khác. Bài viết dưới đây, Phong thủy Tam Nguyên xin chia sẻ tới quý bạn về phong tục tang ma trong văn hóa tâm linh của người Việt. Hãy cùng tìm hiểu với chúng tôi.
Cẩm nang kiến thức phong thủy trực tuyến

Tang ma, tang lễ, đám tang hay lễ tang là một trong những phong tục lâu đời gắn liền với đời sống văn hóa tâm linh của người Việt Nam. Bao gồm rất nhiều hình thức – nghi thức mà người sống thực hiện đối với người vừa rời xa cõi trần.

Tang ma – Các quy trình và thủ tục

Khi vừa mất

Gia đình nào có người gần mất, con cái đến chỗ chính tẩm, hỏi thăm xem người có điều gì trăng trối, rồi đặt tên hiệu cho người biết, dùng nước thơm bằng trầm hương, lau sạch sẽ, thay quần áo cho gọn gàng, tinh tươm. Khi hơi thở ngừng tắt, người nhà sẽ lấy chiếc đũa đặt ngang hàm, lấy một vốc gạo và ba đồng tiền xu bỏ vào miệng. Những nhà quyền quý thường dùng ba miếng vàng song, chín hạt châu trai, gọi là ngậm hàm.

Người nhà trải chiếu trên đất, khiêng người vừa mất đặt xuống (với hàm nghĩa sinh ra bởi đất thì chết lại trở về cát bụi), sau đó lại đem đặt lên giường. Người con tiến hành cầm chiếc áo của người đã mất, trèo lên trên mái nhà, hú ba tiếng với hàm ý gọi người sống tỉnh dậy, rồi lại lấy áo đem phủ lên người mất. Đó là phong tục tang ma của Việt Nam khi có người vừa tạm biệt dương gian.

Khâm liệm nhập quan

Nhà phú quý thì dùng vải vóc, tơ lụa, còn nhà thường thì dùng tấm vải màu trắng, đem may làm đại liệm, tiểu liệm (đại liệm là năm mảnh ngang, một mảnh dọc; tiểu liệm là ba mảnh ngang, một mảnh dọc) rồi tiến hành khâm liệm, nhập quan (bỏ vào săng – từ cổ, mang nghĩa là bỏ vào quan tài).

Theo phong tục tang ma của người xưa, nhiều người tin theo thầy cúng, trong quan thường có mảnh ván đục sao Bắc Đẩu thất tinh. Trước khi tiến hành nghi thức nhập quan, cần phải chọn giờ phạm tuổi, rồi dùng bùa dán xung quanh và bên trong quan tài.

Nhiều người nói rằng, nếu chết phải giờ phạm (giờ xấu) thì lại bỏ cỗ bài tổ tôm, hay quyển lịch Tàu hoặc quyển lịch ta… nhằm trấn áp tà ma.

Quan tài cần được gắn cho kỹ càng, đặt tại giữa nhà, nếu trong nhà còn người có địa vị cao hơn người đã mất thì đặt quan tài ở gian bên. Gia đình nào muốn để lâu một, hai tháng thì quàn lại để trong nhà, hay đem ra vườn rồi phủ cát, đất tạm lên.

Mấy hôm mới nhập quan, nếu gia đình có con cháu sắp kết hôn sẽ được phép cưới, gọi là cưới chạy tang.

Thành phục

 Lễ thành phục trong tục lệ an táng được làm sau vài ba hôm công việc đã được lo liệu đâu vào đấy. Sau khi thiết linh sàng, linh tọa, lấy lụa trắng (hồn bạch) rồi kết lại có đầu, tay, chân như hình người. (Vào lúc đang hấp hối hay vừa qua đời, trên người vẫn còn hơi ấm thì người thân của người đã qua đời sẽ lấy một dải lụa màu trắng đắp ngang trên ngực, với ý nghĩa giữ lại chút ấm áp hay linh hồn của người mất. Sau đó đem kết lại thành một hình người (hình nhân) và đem thờ cúng. Thời nay, tục này đã được hủy bỏ. Người ta sẽ thay việc thờ hình nhân bằng di ảnh.

>>> Đọc thêm

Tang phục

Theo phong tục tang ma, con trai, con gái, con dâu đôi khăn sô, mũ chuối, mặc áo sô, quàng sợi dây chuối, thắt dây lưng bằng chạc. Cháu nọi dội mũ mấn, đeo khăn trắng, mặc áo thụng trắng.

Chiêu tịch điện 

Chiêu tịch điện trong phong tục tang lễ là: hằng ngày, cứ mỗi buổi sớm và buổi chiều, dâng cơm lên cúng người chết. Vào sáng sớm, con cháu bưng một chậu nước, chiếc khăn mặt, trầu cau đặt vào chỗ giường năm, khóc ba tiếng rồi rước hồn bạch ra chỗ linh tọa, sau đó mới dâng cơm cúng. Buổi tối khi dâng cúng xong, lại rước vào chỗ linh sàng, buông màn đắp chăn rồi mới ra: “Sớm mời vong dậy mà ăn, tối mời vong đi ngủ”.

Nghi thức này thường chỉ nhà giàu có mới thực hiện, còn nhà thường chỉ tiến hành cúng lễ tại chỗ linh tọa.

Thổi kèn giải

Trong những ngày tang lễ diễn ra, gia chủ thường mời ban nhạc đến thổi kèn, đánh trống, được gọi là nhạc hiếu để tưởng nhớ tới người đã khuất.

Chuyển cữu

Trước hôm cất đám hay ban đêm khuya hoặc sáng sớm, gia chủ làm lễ chuyển cữu – xoay quan tài.

Phát dẫn

Ngày phát dẫn diễn ra vào hôm cất đám. Vào ngày này, con cháu, anh em, họ hàng, bà con lối xóm của người mất đều đi đưa họ về nơi chín suối.

Trong phong tục tang ma, nếu người cha qua đời, con trai sẽ chống gậy tre, người mẹ qua đời, thì chống gậy vông. Nếu người con trai mất trước rồi thì con trai của người ấy phải thay cha, chống gậy đưa ông/bà. Nếu không có con trai thì ai thừa tự phải chống gậy. Theo người xưa, con gái, con dâu phải lăn đường khóc cha, mẹ mới là người con có hiếu.

Một vài người họ hàng, thân thích đi kèm chỗ linh cữu được gọi là hộ tang. Còn người đi đưa hết thảy gọi là tông tang.

Hạ huyệt

Trước khi hạ huyệt sẽ tiến hành tế thổ thần ở nơi nghĩa trang. Có ông thầy địa lý phân kim chỉ hướng, chờ giờ hoàng đạo (giờ đẹp) thì bắt đầu hạ huyệt. Tại các vùng nông thôn khi thực hiện phong tục tang ma, các sư vãi chờ khi lấp đất xong, mỗi người cầm một nắm hương đi xung quanh mộ, tụng kinh, niệm Phật, rồi mỗi người cầm một nắm đất ném vào mộ, gọi là dong nhan.

Thông thường, thầy địa lý sẽ là người tìm đất trước cho gia chủ. Còn những nhà giàu họ sẽ làm sẵn sinh phần.

Khóc lạy

Khi ma còn trong nhà, thì con cháu, khách khứa phúng viếng sẽ lạy hai lạy, mang nghĩa coi như người còn sống, vẫn ở trong nhà. Tuy nhiên, khi hạ huyệt xong, mọi người sẽ lạy bốn lạy.

Trên đường đưa ma, con cháu lúc nào cũng phải khóc, khi có khách phúng viếng, con trai, con rể đều phải khóc đáp lễ, nhưng chỉ đáp một nửa nghĩa là khi khách lạy hai thì đáp một, khách lạy bốn thì đáp hai.

Ngu tế

Sau khi an táng rồi trở về nhà lại tế, đó chính là Ngu tế. (Ngu có nghĩa là yên). Ngày hôm trước gọi là sơ ngu, ngày thứ hai là tái ngu, ngày thứ ba là tam ngu. Vì người mới mất nên hồn phách chưa yên nên tế ba lần để hồn phách yên cho người chết.

Nhà có điều kiện thì mới có ngu tế, nhà thường thì trong ba ngày chỉ những họ hàng thân thích đến phúng viếng.

Đắp mộ

Trong ba ngày kể từ khi chôn cất, vào mỗi buổi chiều, con cháu sẽ đem lễ như cơi trầu, hương, nước… đến mộ khóc lóc. Phong tục tang ma này được gọi là viếng mộ, đắp mộ. Theo tục của người Việt, gia chủ sẽ sửa sang lại ngôi mộ cho gọn gàng, sạch đẹp vào ngày thứ ba. Người ta thường nhờ thầy cúng yểm bùa ở mộ, hoặc dùng gà trắng, chó đen để cúng thổ thần, hay là dùng cá chép, ốc… để yểm bùa. Họ cho rằng làm như vậy sẽ tránh được quỷ thần đến quấy phá người mới chết. Từ ngày thứ tư trở đi, ngày nào gia chủ cũng phải dâng cơm lên bàn thờ cúng vào buổi sáng và chiều.

Chung thất

Chung thất là vừa tròn 49 ngày mất. Tuần này, gia chủ sẽ làm lễ cúng tế, có nhà đem vào chùa nhờ nhà sư tụng kinh để linh hồn người mất được siêu sinh tịnh độ.

Tốt khốc

 Tuần tốt khốc vừa tròn một trăm ngày. Lúc này, gia chủ mới thôi khóc về người đã mất. Sau tốt khốc thì không phải cúng cơm hai buổi nữa.

Tiểu tường

Tiểu tường tức là ngày giỗ đầu tiên (sau một năm ngày mất). Lúc này gia đình mới trừ bỏ gậy, mũ… Tuy nhiên, theo kiến thức về phong tục tang ma của người Việt, vẫn còn phải mặc đồ tang chế cho hết ba năm.

Đại tường (Mãn tang)

Sau hai năm giỗ hết là đại tường.

Đàm

Sau ngày đại tường hai tháng, gia đình sẽ chọn một ngày để làm lễ trừ phục (đàm tế). Tức là bỏ hết tang phục.

Đốt mã

Đây là tục dâng cho người mất dùng. Những đồ mã được làm bằng giấy, có hình dáng như những đồ thường dùng của người trên trần gian: chăn, màn, quần, áo… Ngày nay, vàng mã còn được sáng tạo với những hình ảnh độc đáo như ô tô, biệt thự, xe máy… Người ta quan niệm trần sao âm vậy, vì thế cần đốt cho người mất đầy đủ.

Qua đây, chúng ta cũng có thể thấy phong tục tang ma ở Việt Nam vẫn còn nhiều hình thức rườm rà, cổ hủ. Chúng ta thấy cần loại bỏ những hủ tục lạc hậu, không cần thiết, để cho người đã khuất được yên nghỉ nơi chín suối. Đừng quên theo dõi nhiều phong tục Việt khác tại Phong thủy Tam Nguyên bạn nhé.

Công ty TNHH Kiến Trúc Phong Thủy Tam Nguyên

Hotline: 1900.2292

Địa chỉ:

  • Hà Nội: Lô A12/D7, ngõ 66 Khúc Thừa Dụ, Khu đô thị mới, Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam
  • Quảng Ninh: Số 81 đường Nguyễn Văn Cừ, phường Hồng Hải, TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh
  • Đà Nẵng: Tầng 12, Tòa ACB, 218 Bạch Đằng, Phường Phước Ninh, Quận Hải Châu, Đà Nẵng
  • TP Hồ Chí Minh: 778/5 Nguyễn Kiệm, Phường 4, Quận Phú Nhuận, TP HCM
  • Tổng thư ký Hiệp hội dịch học Thế giới phân hội Việt Nam

  • Viện phó thường trực Viện nghiên cứu & Phát triển Văn hóa Phương Đông

  • Giám đốc Công ty TNHH Kiến trúc Phong thủy Tam Nguyên.

Đặt Lịch Tư Vấn

Quý khách để lại thông tin, chúng tôi sẽ liên hệ sớm nhất trong vòng 24h
1900.2292 Facebook Page Facebook Messenger Zalo Chat Chat trực tiếp

Hỗ trợ